Để tránh gây mụn khi sử dụng dầu tẩy trang, bạn cần lựa chọn sản phẩm không chứa dầu khoáng, chất tạo màng hoặc cồn. Ngoài ra, hãy thoa dầu tẩy trang lên da khô sau đó rửa sạch bằng nước ấm và làm sạch da bằng sữa rửa mặt. Điều này giúp loại bỏ bụi bẩn mà không tăng sản xuất dầu thừa trên da, từ đó giảm nguy cơ mụn phát triển.
Dầu tẩy trang được xem là một sản phẩm làm sạch da được rất nhiều người yêu thích sử dụng vì khả năng làm sạch tốt mà không cần chà sát lên da như khi dùng bông tẩy trang. Tuy nhiên nhiều người lại gặp tình trạng nổi mụn, kích ứng khi dùng dầu tẩy trang, vậy thì nguyên nhân là do đâu và cách dùng dầu tẩy trang thế nào cho đúng, hãy cũng chúng tôi tìm hiểu ngay nha!
Xu hướng làm sạch da bằng dầu tẩy trang
Dầu tẩy trang là một sản phẩm đã có từ khá lâu, thế nhưng vài năm trở lại đây thì việc sử dụng dầu tẩy trang mới trở nên phổ biến và được yêu thích. Đặc biệt là thông qua mạng xã hội, các clip hoặc video liên quan đến dầu tẩy trang được đăng tải rất nhiều và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng yêu làm đẹp. Rất nhiều video ngắn cho thấy rằng dùng dầu tẩy trang không chỉ giúp loại bỏ bụi bẩn, sản phẩm makeup mà còn hỗ trợ cải thiện lỗ chân lông hoặc mụn đầu đen mụn ẩn.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng dùng dầu tẩy trang cũng là cách để bảo vệ môi trường, vì khi dùng nước tẩy trang sẽ cần thêm miếng bông, nếu các sản phẩm bông tẩy trang pha cotton bị thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực.
Dầu tẩy trang có thực sự làm sạch da tốt hơn nước tẩy trang?
Bề mặt da của chúng ta luôn luôn có các lỗ chân lông, không kể là lớn hay nhỏ, đây cũng là nơi dễ tích tụ bụi bẩn nhất. Ngoài ra, hệ thống bã nhờn trên da sẽ tiết dầu, còn nước tẩy trang là dạng nước lỏng, nên đôi khi khó mà có thể hòa tan được hoàn toàn bụi bẩn, cặn bã nhờn trên da. Chưa kể đến khi chà sát bông tẩy trang trên da là chưa đủ để làm sạch hoàn toàn cặn bẩn trong lỗ chân lông.
Còn đối với dầu tẩy trang thì khác, các sản phẩm này áp dụng quy tắc dầu hòa tan trong dầu, chính vì thế sẽ loại bỏ được cặn bã nhờn và bụi bẩn sâu trong lỗ chân lông. Cùng với đó, thao tác massage khi nhũ hóa dầu tẩy trang sẽ giúp da được làm sạch mà không lo bị đỏ rát, massage nhẹ nhàng cũng giúp lấy đi cồi mụn hoặc mụn cám, mụn đầu đen trên bề mặt da mà không cần nặn hay bóp gây tổn thương.
Khi nào cần dùng dầu tẩy trang
Trước kia nhiều người cho rằng chỉ nên dùng dầu tẩy trang khi có makeup, thế nhưng với xu hướng làm đẹp da hiện đại thì điều này chưa đúng. Hiện nay có rất nhiều dòng kem chống nắng kháng nước, kháng bụi với khả năng bám trên da rất lâu và đa phần những sản phẩm như vậy thì không thể được làm sạch hoàn toàn nếu chỉ sử dụng nước tẩy trang thông thường. Vì thế dưới đây sẽ là một số trường hợp bạn nên dùng dầu tẩy trang:
- Khi có makeup, đặc biệt là các sản phẩm makeup lâu trôi, kháng nước, son lì.
- Khi dùng kem chống nắng kiềm dầu, sản phẩm có khả năng kháng nước, kháng mồ hôi.
- Khi tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bẩn, khí thải, khói bụi.
- Da dầu hoặc da hỗn hợp thiên dầu. Da khô có thể cân nhắc sử dụng tùy theo nhu cầu cá nhân.
Tại sao dùng dầu tẩy trang lại gây mụn?
Mặc dù được nhiều người đánh giá cao, nhưng nhiều người lại phản hồi rằng làn da họ gặp tình trạng nổi mụn sau một thời gian sử dụng dầu tẩy trang, có thể là mụn đỏ, mụn viêm hoặc mụn ẩn, và dưới đây là 2 lý do chính dẫn đến hiện tượng này:
Nhũ hóa chưa đúng cách
Nhũ hóa là bước quan trọng nhất khi dùng dầu tẩy trang, không chỉ quyết định hiệu quả làm sạch da mà còn ảnh hưởng đến da sau này. Cho những ai còn chưa rõ thì nhũ hóa là quá trình dùng nước ấm để chuyển hóa dầu thành dạng sữa, từ đó giúp lấy đi bụi bẩn hiệu quả. Vì thế nếu gặp tình trạng da lên mụn khi dùng dầy tẩy trang thì nên xem lại quá trình nhũ hóa đã đủ và đúng hay chưa.
Một số sai lầm khi nhũ hóa như: dùng nước quá lạnh, nhũ hóa quá nhanh, không làm sạch da với sữa sửa mặt sau khi nhũ hóa, massage không đủ kỹ.
Chọn lựa sai sản phẩm
Đa phần dầu tẩy trang đều có nguồn gốc từ các loại dầu thực vật như các loại hạt, rau má, jojoba, đậu nành,… Mặc dù thành phần chính là dầu nhưng đôi khi các nhà sản xuất có thể bổ sung một số thành phần khác như hương liệu, chất bảo quản. Lý do bạn bị kích ứng có thể là do các hoạt chất bổ sung này, vì thế bạn nên cân nhắc chọn các sản phẩm thuần chay, không chứa các hóa chất dễ kích ứng. Hoặc nếu khi đã chọn sản phẩm lành tính rồi mà vẫn bị lên mụn thì có thể là do bạn bị kích ứng với một trong số các loại dầu thực vật trong sản phẩm, hoặc đơn giản là bởi vì da bạn không hợp với dầu tẩy trang.
Cách dùng dầu tẩy trang chi tiết và hiệu quả
Sau khi tìm hiểu một số thông tin cần thiết liên quan đến dầu tẩy trang rồi thì cùng mình đi vào cách dùng dầu tẩy trang đúng cách và hiệu quả nha.
Bước 1 – lấy sản phẩm
Ở bước này, bạn làm sạch tay với xà bông hoặc nước rửa tay để loại bỏ bụi bẩn trên da. Sau đó lau khô tay, và cho dầu tẩy trang vào lòng bàn tay, lưu ý là phải để tay thật khô chứ không được để tay ướt vì sẽ ảnh hưởng đến kết cấu sản phẩm. Nhẹ nhàng massage dầu trong lòng bàn tay rồi đưa lên da, lần lượt từ hai bên má, đến trán và cằm. Nên cho dầu tẩy trang ra tay trước rồi mới cho lên mặt sẽ đảm bảo lượng dầu trải đều trên da.
Bước 2 – massage
Tiến hành massage da nhẹ nhàng theo hướng vòng tròn từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, sau đó đưa tay lên massage trán và dưới cằm. Đối với khu vực cánh mũi, bạn sử dụng 2- 3 ngón tay rồi massage nhẹ nhàng từng bên một. Nên lập lại thoa tác này 2-3 lần cho đến khi bạn thấy lớp makeup được tan hết ra, ở vùng mắt thì nên nhắm mắt và massage theo chuyển động tròn. Đối với các sản phẩm waterproof như masscara, kẻ mắt hoặc son thì có thể lấy thêm dầu, sau đó giữ trên da khoảng 30 giây rồi mới massage.
Bước 3 – nhũ hóa
Ở bước này rất quan trọng, bạn nên lấy nước ấm để nhũ hóa tốt hơn, lưu ý là nước ấm chứ không phải nước nóng hoặc nước mát nha. Cho một xíu nước để vừa đủ làm ướt nhẹ hai lòng bàn tay, sau đó massage lên da theo cách như bạn massage với dầu ở bên trên. Thao tác liên tục cho đến khi bạn thấy cảm giác trên da hơi rít nhẹ, sau đó lấy thêm một chút nước và tiếp tục massage như vậy cho đến khi toàn bộ dầu trên mặt chuyển sang dạng sữa có màu trắng.
Bước 4 – làm sạch
Cuối cùng là làm sạch da lại với nước ấm, vừa làm sạch vừa massage nhẹ để loại bỏ hoàn toàn phần sữa đã được nhũ hóa trên da. Khi da mặt còn hơi ướt bạn massage sữa rửa mặt ra tay rồi làm sạch da một lần nữa với sản phẩm sữa rửa mặt mà bạn đang sử dụng. Dùng khăn mềm để thấm khô nước trên da là xong.