Người ta có câu “Tiền là tiên là Phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý”. Những thông tin dưới đây có lẽ sẽ làm bạn ngạc nhiên về thứ công cụ “mua tiên cũng được” quá quen thuộc này!
Sự ra đời
Hãy quay ngược thời gian về thời Công xã nguyên thủy, chính xác là khoảng từ 3000-5000 năm trước, thời điểm mà loài người bắt đầu biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động trong sản xuất. Từ đó, năng suất lao động tăng cao, lượng hàng hóa cũng tăng đột biến, dẫn đến nhu cầu cần trao đổi hàng hóa cũng ngày một tăng theo. Điều này dẫn đến đòi hỏi cấp thiết về về một vật ngang giá chung, có giá trị, và có thể mang ra trao đổi để lấy bất cứ loại hàng hóa nào cần thiết. Và thế là, tiền ra đời!
Vật liệu
Giấy và kim loại (cụ thể là đồng) là hai loại vật liệu phổ biến dùng để làm ra tiền trong thời buổi hiện nay. Nhưng bạn biết không, vào thời xa xưa, tiền còn được chế tạo từ những nguyên vật liệu có thể nói là “kỳ lạ và hoang đường” khác, như:
- Răng cá mập
- Lông vũ của chim, nhưng phải là những loại chim quý hiếm
- Vỏ sò, ốc
- Đá
Tiền thật sự rất… bẩn
Ai ai cũng xài tiền mỗi ngày, dù cho là khỏe mạnh hay đang mang bệnh, thế nên trên những tờ tiền luôn luôn tồn tại những loại virus độc hại. Bằng chứng là, lượng virus cúm trú ngụ trên những tờ tiền có thể lây nhiễm sang một người khỏe mạnh chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần. Ngoài cúm, các nhà khoa học còn phát hiện ra trên gần 100.000 tờ tiền được thu thập ngẫu nhiên vi khuẩn của bệnh tụ huyết cầu, hay dấu vết của cocain – một loại chất gây nghiện. Sự nguy hại đến từ thứ công cụ này còn khiến cho một ngân hàng ở Nhật Bản phải chế tạo ra một loại máy ATM dùng để… “giặt” tiền.
Tiền giấy không được làm từ… giấy
Nghe thoạt đầu có vẻ vô lý, nhưng sự thật là như thế! Tiền vốn không hoàn toàn làm từ giấy như giấy tập, sách mà là một hỗn hợp của 25% cotton và 75% vải lanh trong trường hợp của tiền đôla Mỹ. Thứ hỗn hợp này bền hơn bất kỳ loại giấy nào mà bạn có thể tìm được. Hoặc sự ra đời của loại tiền Polime của Việt Nam cũng là một bằng chứng, khi loại tiền này được làm ra từ polyme – một loại hợp chất cao phân tử. Việc xuất hành tiền polyme có tác dụng chống tiền giả và kéo dài tuổi thọ của tiền giấy.
Khả năng kiếm tiền của con người
Theo nhiều nghiên cứu, trung bình một người nếu có làm lụng cả đời cũng không thể kiếm được hơn 1 triệu đôla Mỹ. Tại châu Phi, người dân chỉ kiếm được khoảng 1 đô la/ngày. Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates có thể ngồi không mà vẫn có thể hưởng 250 đô la/giây, 15 nghìn đô la/phút, 900 nghìn đô la/ngày, 21 triệu đô la/giờ và hơn 7 tỷ đô la/năm. So sánh với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 2300 đô la/năm, thì để có thể bắt kịp với thu nhập trong một năm của ông trùm Microsoft, một người Việt có mức thu nhập trung bình phải làm việc trong khoảng… 3 triệu 400 nghìn năm.
Tiền Mỹ không chỉ của người Mỹ
Với vị trí là quốc gia đứng đầu của nền kinh tế thế giới, không nghi ngờ gì khi ngoài Tiếng Anh – ngôn ngữ quốc tế, thì đồng đôla Mỹ cũng được mặc định là loại tiền tệ quốc tế, được sử dụng trong việc thanh toán trên hầu hết tất cả các nước. Cụ thể hơn, tiền đô còn được lưu trữ, cất giữ bởi nhiều quốc gia, và nhiều hộ gia đình. Cho nên, không có gì là ngạc nhiên khi 65% lượng đô la Mỹ đang nằm ngoài biên giới quốc gia to lớn và hùng mạnh này.
Những cái “nhất”
Đồng tiền có mệnh giá cao nhất thế giới, không phải là tờ 100.000 tỷ của Zimbabwe hay tờ 100 pengo của Hungary, mà chính là đồng 500 tỷ tỷ dinara của Nam Tư cũ.
Danh hiệu đồng tiền xu làm từ kim loại lớn nhất thế giới thuộc về một đồng tiền vàng ở Úc, với một mặt khắc chân dung của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, mặt còn lại là hình của chú chuột túi – biểu tượng của Australia. Ngoài ra, những “tảng đá” tiền của người đảo Yap đã được nêu trên cũng là đồng tiền xu không làm từ kim loại lớn nhất thế giới.
Năm 1998, chính phủ Philippines cho phát hành tờ tiền 100.000 peso. Với kích thước gần bằng 1 tờ giấy A4, đây chính là tờ tiền có kích thước lớn nhất thế giới. Ngoài ra, cũng không quên nhắc đến tờ ngân phiếu mệnh giá 1 triệu bảng Anh cũng lớn không kém được ra mắt năm 1984.
Đồng tiền có giá trị cao nhất thế giới phải kể đến đồng Dinar của Cô-oét (Kuwait) – một nước thuộc khu vực Trung Đông. 1 Dinar tương đương với 3.5 đô la Mỹ, hay gần 70 nghìn đồng Việt Nam.
Đồng tiền “hài” nhất, một danh hiệu nghe qua có vẻ buồn cười, nhưng thực tế là loại tiền được tạo nên bởi Đức và Áo trong thời kỳ khủng hoảng về kinh tế – tài chính ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 1. Nó được mang tên Notgeld, trong tiếng Đức nghĩa là “tiền khẩn cấp”, và thay vì được in hình vĩ nhân hay danh lam thắng cảnh, trên tờ Notgeld lại có mặt của những nhân vật hết sức “trời ơi đất hỡi”, chẳng hạn như những loại động vật trông rất ngô nghê.
Nhân vật xuất hiện trên nhiều loại tiền nhất chính là nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh. Ước tính, chân dung của bà được in trên 33 loại tiền của nhiều quốc gia, ví dụ như Anh, Úc, Canada, Hongkong, New Zealand,… nhiều hơn bất kỳ những nguyên thủ nào khác.