Hãy tận hưởng mâm cỗ Tết truyền thống từ Ba Miền với những món ngon đặc trưng như bánh chưng Bắc, bánh tét Nam, canh khổ qua miền Trung và cá kho tộ miền Nam. Đây là cách tuyệt vời để tận hưởng vị ngon đặc trưng của từng vùng miền Việt Nam trong dịp Tết.
Tết là dịp lễ đặc biệt nhất trong năm và cũng là thời điểm mọi người sum họp bên mâm cơm gia đình, cầu mong một năm mới an lành và may mắn. Mâm cơm hay mâm cỗ trong ngày Tết là một phần không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, Việt Nam được chia thành 3 vùng miền rõ rệt với những nét đặc trưng riêng. Hãy cùng mình tìm hiểu xem mâm cỗ ngày Tết ở 3 miền có những món ăn gì nhé!
1. Ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết
Mâm cỗ ngày Tết gồm các món ăn truyền thống của ngày Tết được sắp xếp cẩn thận, trang trí đẹp mắt để cúng tổ tiên và ăn mừng ngày lễ. Mâm cỗ là nơi thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với ông bà, tổ tiên cũng là dịp để gia đình sum họp bên nhau, tận hưởng không khí ấm cúng trong dịp tết Nguyên Đán. Mâm cơm ngày Tết mang đến sự trang trọng, trang nghiêm, vô cùng thiêng liêng và đầm ấm.
Mâm cỗ ngày Tết không chỉ là bữa ăn đơn thuần mà còn thể hiện rõ nét đặc sắc về văn hóa của người Việt nói chung và văn hóa vùng miền nói riêng đặc biệt yếu tố tâm linh cũng được thể hiện qua chính mâm cỗ ngày Tết. Mỗi món ăn trên mâm cỗ đều mang ý nghĩa phong thủy nhất định, tượng trưng cho những mong muốn tốt lành vào năm mới. Ví dụ, gà luộc (tượng trưng cho sự thịnh vượng, vạn sự như ý); thịt kho tàu (tượng trưng cho sự phồn thịnh, trọn vẹn, đủ đầy); thịt đông (tượng trưng cho sự gắn bó, hòa thuận); canh khổ qua (tượng trưng cho loại bỏ điều xấu, tiêu tan muộn phiền, cái khổ sẽ qua đi và đón nhận những điều tốt lành sắp tới) và không thể thiếu các loại bánh đặc trưng của ngày tết như bánh chưng (tượng trưng cho sự kính trọng, tưởng nhớ và biết ơn đối với tổ tiên, gợi nhớ về cội nguồn), bánh tét (tượng trưng cho sự no đủ, hạnh phúc, đùm bọc, yêu thương),…
2. Mâm cỗ ngày Tết 3 miền có những món gì đặc trưng?
Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc
Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc được đánh giá là cầu kỳ, tỉ mỉ và đẹp mắt với sự kết hợp hài hòa đủ các màu sắc như đỏ, vàng, xanh, trắng thể hiện sự sung túc và may mắn. Ngoài ra, việc bày trí mâm cỗ Tết cũng tuân thủ theo nguyên tắc phong thủy nhất định gồm 4 bát – 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Nhiều gia đình làm cỗ lớn thì 6 bát – 6 đĩa hoặc thậm chí 8 bát – 8 đĩa tượng trưng cho phát tài, phát lộc, mang ý nghĩa may mắn. Các món ăn đặc trưng trên mâm cỗ Tết miền Bắc thường có các món như bánh chưng, xôi gấc, gà luộc, thịt đông, giò thủ, giò lụa, canh măng, nem rán (chả giò), dưa hành,…
Mâm cỗ ngày Tết miền Trung
Miền Trung là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết và khí hậu khắc nghiệt nhất so với hai vùng miền còn lại nhưng cái Tết ở miền Trung vẫn rất đủ đầy và ấm cúng. Mâm cỗ Tết miền Trung là sự giao thoa giữa hai vùng còn lại, sự tinh tế của miền Bắc và mang một chút nét mộc mạc của miền Nam. Mâm cỗ Tết ở miền Trung sẽ có những món ăn đặc trưng như bánh tét, bánh chưng, bánh tổ, gà luộc, xôi đậu xanh, chả bò (giò bò), nem chua, tôm chua, thịt heo ngâm mắm, dưa món,…Một điểm đặc biệt trong cách bày trí mâm cỗ của người miền Trung đó là các món ăn thường được chia thành từng chén hoặc từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít như một cách để thể hiện cho tinh thần tiết kiệm và sẻ chia của người dân miền Trung.
Mâm cỗ ngày Tết miền Nam
Người miền Nam chân chất, phóng khoáng, không quá cầu kỳ trong việc nấu nướng cũng như bày biện mâm cúng nhưng cũng rất đủ đầy và phong phú. Đa phần người miền Nam thường chuẩn bị mâm cỗ theo ý thích và tùy vào điều kiện kinh tế mỗi nhà không nhất thiết phải đầy đủ các món. Tuy nhiên, mâm cỗ Tết vẫn có những món đặc trưng chung như bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua, tôm khô củ kiệu, lạp xưởng, chả giò, dưa hấu,…
Mâm cỗ Tết không chỉ thể hiện sự đa dạng về món ăn mà còn là nơi gắn kết tình cảm gia đình, tạo nên không khí ấm cúng mỗi dịp tết đến xuân về. Mỗi vùng miền mỗi nét riêng nhưng thông qua mâm cổ ngày Tết ta có thể thấy được những nét đẹp văn hóa của người Việt vẫn được lưu giữ và truyền bá cho thế hệ sau.