Bất chấp sự khác biệt về tôn giáo, Ali và Nino đã tìm đến bên nhau nhưng không được bao lâu thì bom đạn chiến tranh đã khiến họ vĩnh viễn bị chia cắt. Câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt này là nguồn cảm hứng cho 2 bức tượng bên bờ biển Batumi, Gruzia.
“Ali và Nino” là 1 trong 10 tác phẩm điêu khắc lãng mạn nhất thế giới. Bức tượng cao 8m độc đáo này là một tác phẩm được làm bằng thép di động của nhà điêu khắc Tamara Kvesitadze. Tác phẩm được thiết kế vào năm 2007 nhưng mãi đến năm 2010 mới được hoàn thành. Sau một ngày dài xa cách, vào đúng 7h tối mỗi ngày cặp tình nhân này lại chậm rãi chuyển động sát lại gần nhau, quấn quýt lấy nhau trong 10 phút để rồi phải chia lìa ngay sau đó.
Bức tượng độc đáo này được khơi nguồn dựa trên tình sử nổi tiếng của “Ali và Nino” trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kurban Said. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1937, được dịch ra 37 ngôn ngữ và được tái bản gần 100 lần.
“Ali và Nino” là biểu tượng của một tình yêu đẹp nhưng bi thảm, diễn ra trong bom lửa chiến tranh để rồi kết thúc là cái chết và sự chia lìa. Câu chuyện kể về một người đàn ông trẻ ở Azerbaijan rơi vào lưới tình với cô công chúa Gruzia trong bối cảnh lịch sử của Thế chiến thứ nhất.
Trong bối cảnh những năm 1917 – 1918, ở thành cổ Baku vào thời điểm trước khi nổ ra cuộc cách mạng Bolshevik, chuyện tình yêu giữa chàng công tử Ali, xuất thân trong một gia đình quý tộc Hồi giáo ở Azerbaijan và tiểu thư Nino, sinh ra và lớn lên trong truyền thống Kitô giáo giữa xã hội châu Âu hiện đại, đã trở thành một thiên tình sử đẫm nước mắt về những người yêu nhau nhưng không được ở bên nhau.
Bất chấp sự khác biệt về nền tảng gia tộc, vượt qua rào cản tôn giáo, tín ngưỡng và sự xung đột giữa truyền thống và tư tưởng tự do, phóng khoáng, Ali và Nino đấu tranh để được yêu, được mang lại hạnh phúc cho nhau. Tình yêu của họ thật đẹp và Ali quyết định sẽ lấy Nino bằng mọi giá ngay khi cô ra trường.
Thế nhưng, cuộc đời vốn dĩ không bằng phẳng, cho tới một ngày, Nino bị bắt cóc bởi chính một người bạn của Ali. Mãi sau này, khi Ali chạy trốn và lưu lạc tới vùng đất Daghestan, hai người mới có cơ hội gặp lại ở một thị trấn gần Makhachkala. Họ lập tức kết hôn và có một thời gian hạnh phúc ngắn ngủi trước khi cách mạng Nga bùng nổ. Ali và Nino lại phải dắt díu nhau đến Iran lánh nạn. Tại đây, Ali được nhắc nhở về nguồn gốc Hồi giáo của mình, anh gia nhập quân đội và tử nạn khi đứng lên bảo vệ quê hương. Bầu trời của Nino như sụp đổ hoàn toàn. Bao nhiêu tình yêu, niềm tin và sự hy vọng cũng không giúp cô cứu được người chồng, người cha Ali mà mình hết lòng yêu thương. Đau đớn và tuyệt vọng, Nino ôm con gái nhỏ, trở về quê hương Gruzia, đặt dấu chấm hết cho chuyện tình thấm đẫm nước mắt mà cô đã dành trọn máu tim của một thời tuổi trẻ.
Cảm động trước câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng đầy bi thương đó, nghệ sĩ Tamara Kvesitadze đã chế tác ra tác phẩm điêu khắc bằng thép này và gọi nó là “Tượng của tình yêu”. Đó là hình ảnh của một người đàn ông và một người phụ nữ cao chừng 8m di chuyển đối diện nhau, họ yêu nhau, nhìn thấy nhau nhưng chỉ được đến bên nhau vỏn vẹn 10′ vào mỗi cuối ngày.
Thiên tình sử cảm động của Ali và Nino không chỉ được tái hiện bằng 2 bức tượng ở Gruzia mà nó còn được đưa vào bộ môn nghệ thuật thứ bảy khi vào tháng 1 năm nay, phim điện ảnh “Ali và Nino” của đạo Asif Kapadia thuộc thể loại tình cảm – lãng mạn, dài 1 tiếng 40 phút đã thu hút nhiều sự quan tâm của người hâm mộ.
Tóm lại, Ali và Nino là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thế kỉ 20. Tác phẩm đã gợi nhắc về một tình yêu đầy đam mê và mãnh liệt của hai con người hoàn toàn khác biệt về văn hóa và tôn giáo, thậm chí hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt càng tôn thêm tình yêu tuyệt đẹp nơi họ. Có thể nói, Ali và Nino chính là tượng đài bất diệt, ngợi ca tình yêu vĩnh cửu giữa người với người.